Xung đột ban đầu với Lý Mậu Trinh Đường_Chiêu_Tông

Dương Phục Cung vốn là người phản đối chiến dịch tiến công Lý Khắc Dụng, song việc Đường Chiêu Tông kết thúc chiến dịch này không khiến xung đột giữa hai bên chấm dứt, mà lại khiến nó thêm sâu sắc. Vào mùa thu năm 891, Dương Phục Cung xin được trí sĩ, Đường Chiêu Tông đã chuẩn thuận việc này. Không lâu sau, xuất hiện tin đồn rằng Dương Phục Cung lập kế hoạch nổi dậy tại Trường An cùng với Dương Thủ Tín (楊守信), Đường Chiêu Tông đã phái binh tiến công vào phủ đệ của Dương Phục Cung, Dương Phục Cung và Dương Thủ Tín chạy đến Sơn Nam Tây đạo của Dương Thủ Lượng. Dương Phục Cung sau đó tiến hành nổi dậy chống triều đình cùng các con và cháu nuôi.[10]

Trước tình thế này, Phượng Tường[chú 12] tiết độ sứ Lý Mậu Trinh cùng với các đồng minh là Tĩnh Nan[chú 13] tiết độ sứ Vương Hành Du, Hàn Kiến, cũng như Thiên Hùng[chú 14] tiết độ sứ Lý Mậu Trang (李茂莊) và Khuông Quốc[chú 15] tiết độ sứ Vương Hành Ước (王行約) hợp binh dưới quyền thống soái của Lý Mậu Trinh, đề xuất được tiến công họ Dương. Mặc dù xem họ Dương là kẻ thù, song Đường Chiêu Tông lo sợ rằng nếu Lý Mậu Trinh đánh bại được họ Dương thì triều đình sẽ khó có thể kiểm soát được người này, vì thế thoạt đầu ông bác bỏ đề xuất. Tuy nhiên, Lý Mậu Trinh và Vương Hành Du vẫn tiến công, Đường Chiêu Tông lo sợ rằng Lý Mậu Trinh sẽ tự ý đồ sát người dân Sơn Nam Tây đạo nên đã buộc phải lập Lý Mậu Trinh làm thống soái chiến dịch chống họ Dương. Vào mùa đông năm 892, Hưng Nguyên thất thủ, họ Dương chạy trốn song sau đó đã bị Hàn Kiến bắt giữ và bị đưa đến Trường An để xử tử.[11]

Lý Mậu Trinh muốn hợp nhất Sơn Nam Tây đạo vào lãnh địa của mình, vì thế đã thỉnh cầu được giữ chức tiết độ sứ của quân này, kỳ vọng rằng Đường Chiêu Tông sẽ để ông ta làm tiết độ sứ của cả Phượng Tường và Sơn Nam Tây đạo. Tuy nhiên, Đường Chiêu Tông lại hạ chỉ bổ nhiệm Lý Mậu Trinh là tiết độ sứ của Sơn Nam Tây đạo và Vũ Định[chú 16], trong khi bổ nhiệm tể tướng Từ Ngạn Nhược làm Phượng Tường tiết độ sứ. Lý Mậu Trinh sau đó thượng biểu với lời lẽ ngạo mạn cho Đường Chiêu Tông để chế nhạo hoàng đế không thể đánh bại họ Dương và không thể kiểm soát nổi các tiết độ sứ. Đường Chiêu Tông nổi giận và quyết định chuẩn bị tiến hành một chiến dịch chống lại Lý Mậu Trinh, bất chấp phân tích của tể tướng Đỗ Nhượng Năng rằng triều đình lúc này không có đủ sức mạnh để đánh bại Lý Mậu Trinh. Vào mùa thu năm 893, Đường Chiêu Tông phát động chiến dịch tiến công Lý Mậu Trinh, lệnh Đỗ Nhượng Năng phụ trách hậu cần, phái Đàm vương Lý Tự Chu (李嗣周) thống lĩnh 3 vạn quân hộ tống Từ Ngạn Nhược đến Phượng Tường. Tuy nhiên, đội quân của triều đình do mới hình thành nên có sĩ khí yếu kém và ít kinh nghiệm chiến đấu, và liền tan ra khi đối đầu với đội quân của Vương Hành Du. Lý Mậu Trinh tiến sát Trường An, yêu cầu Đỗ Nhượng Năng phải bị giết, Đường Chiêu Tông đành buộc Đỗ Nhượng Năng tự sát và cho phép Lý Mậu Trinh cai quản Phượng Tường, Sơn Nam Tây đạo, Vũ Định và Thiên Hùng. Sau thời điểm này, Lý Mậu Trinh cùng Vương Hành Du liên minh với tể tướng Thôi Chiêu Vĩ, và có ảnh hưởng rất lớn đến việc xử lý quốc sự, hoàng đế sẽ không thể thực hiện phương sách nào mà họ phản đối.[11]

Năm 895, Hộ Quốc[chú 17], tiết độ sứ Vương Trọng Doanh qua đời, Vương Kha (王珂) và Vương Củng (王珙) tranh giành quyền kế nhiệm. Lý Khắc Dụng ủng hộ Vương Kha; còn Lý Mậu Trinh, Vương Hành Du và Hàn Kiến thì ủng hộ Vương Củng, họ đều thượng biểu cho Đường Chiêu Tông. Đường Chiêu Tông thuận theo ý của Lý Khắc Dụng và bổ nhiệm Vương Kha là Hộ Quốc tiết độ sứ. Đáp lại, Lý Mậu Trinh, Vương Hành Du và Hàn Kiến lại tiến vào kinh thành, giết chết Vi Chiêu Độ và Lý Hề vì họ cho hai người này đứng sau quyết định của Đường Chiêu Tông.[12]

Lý Khắc Dụng phản ứng mạnh mẽ trước hành động này, ông ta đem quân của mình vượt Hoàng Hà, chuẩn bị tiến công Lý-Vương-Hàn. Xuất hiện tin đồn rằng Lý Mậu Trinh và Vương Hành Du đều muốn bắt Đường Chiêu Tông để đưa về lãnh địa của họ, Đường Chiêu Tông vì thế đã cùng các quan lại chạy trốn vào Tần Lĩnh, người dân Trường An lũ lượt theo sau. Trong khi đó, Lý Khắc Dụng đánh bại quân của Vương Hành Du và Lý Mậu Trinh, bao vây thủ phủ Bân châu (邠州) của Vương Hành Du, Vương Hành Du chạy trốn và bị thuộc hạ giết chết. Lý Mậu Trinh và Hàn Kiến quy hàng, thỉnh tội và triều cống cho Đường Chiêu Tông. Đường Chiêu Tông trở về Trường An, khao thưởng lớn Lý Khắc Dụng và thuộc hạ, song khi Lý Khắc Dụng đề xuất tiến công Lý Mậu Trinh, Đường Chiêu Tông lo sợ nếu Lý Mậu Trinh bị diệt thì Lý Khắc Dụng sẽ không còn đối trọng, do vậy không chuẩn thuận. Lý Khắc Dụng rút về Hà Đông, và sau đó không còn trở lại Quan Trung.[12]